Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup: Sau ánh hào quang sẽ là gì?
AFF Cup đã về tay chúng ta. Non sông mở hội, hạnh phúc và niềm tin lan tỏa. Nhưng chúng ta không chỉ muốn làm con rồng Đông Nam Á.
Sau 10 năm ròng rã chờ đợi, rốt cuộc người hâm mộ (NHM) bóng đá Việt Nam cũng đã được hô vang “Việt Nam vô địch” mà không sợ bị… bắt bẻ. Chúng ta đã thật sự trở thành nhà vô địch AFF Cup theo cách không thể thuyết phục hơn.
Nếu như năm 2008 là niềm vui vỡ òa sau bàn thắng phút cuối của Lê Công Vinh, thì 2018 lại là sự đĩnh đạc, đường hoàng của một nhà vô địch thực thụ. Giữa 2 chức vô địch ấy có sự khác biệt lớn ở thần thái của kẻ chinh phục.
“Bão” vẫn còn râm ran. Những câu chuyện về AFF Cup, Park Hang-seo, những người anh hùng dân tộc như Quang Hải, Văn Lâm, Đình Trọng, Anh Đức, Trọng Hoàng, Ngọc Hải… chắc chắn vẫn sẽ là chủ đề “trà dư tửu hậu” của nhiều ngày nữa.
Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo nâng cao cúp vô địch AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Thuận Thắng. |
Giấc mơ bay xa hơn
Tuy nhiên, đã bắt đầu có một bộ phận NHM sớm thoát khỏi niềm vui AFF Cup để cho giấc mơ bay cao hơn, xa hơn. Trên một vài diễn đàn, NHM đã bắt đầu thảo luận về Asian Cup - giải đấu mà đội tuyển của chúng ta năm cùng bảng với Iran, Irag và Yemen. Asian Cup 2019 sẽ thi đấu từ ngày 5/1 đến 1/2 tại UAE. Với những NHM chưa biết, Asian Cup 2019 sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử quy tụ tới 24 đội tuyển tham dự, thay vì chỉ 16 như trong quá khứ.
Như vừa đề cập ở trên, phong cách, thần thái của tuyển Việt Nam giữa chức vô địch AFF Cup 2008 và 2018 đã có sự nâng tầm rõ rệt. Đó là bằng chứng đanh thép nhất chứng tỏ những lời bàn lùi trong quá khứ về “tố chất của người Việt có quá nhiều hạn chế để chạm tới đỉnh cao” là sai lầm, là thiển cận. Rõ ràng, nếu bắt kịp với tư duy bóng đá cấp tiến của khu vực và thế giới, tin rằng chức vô địch AFF Cup 2018 mới chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình hóa rồng thật sự của bóng đá Việt Nam mà thôi.
Nhưng bằng cách nào và cần bao nhiêu lâu để bóng đá Việt Nam vượt qua đỉnh cao AFF Cup?
Có nhiều tư vấn đã xuất hiện sau đêm Mỹ Đình diệu kỳ. Ví dụ như nên đưa một số tuyển thủ có tiềm năng như Quang Hải, Đình Trọng… ra nước ngoài phát triển; nên phát triển thêm những mô hình đào tạo như học viện HAGL; nên để cầu thủ chúng ta làm việc với những huấn luyện viên (HLV) đẳng cấp như ông Park Hang-seo… Rất nhiều tư vấn.
Tuy nhiên, trước khi mơ mộng, hãy đọc những tài liệu về bài học Hàn Quốc sau World Cup 2002.
Năm đó, ĐT Hàn Quốc vào tới bán kết World Cup 2002. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể coi chiến tích ấy có tính bản lề và cảm hứng y hệt như chức vô địch AFF Cup 2018. World Cup khép lại, người Hàn cũng ăn mừng và họ cũng lạc quan nói về tương lai y hệt như chúng ta bây giờ.
Bóng đá Hàn Quốc bắt đầu hành trình đưa các tuyển thủ ra nước ngoài. Lee Yong-pyo và Park Ji-sung đến PSV để bắt đầu những năm tháng ghi dấu ấn ở trời Âu. Tại World Cup 2002, 70% tuyển thủ Hàn Quốc thi đấu trong nước. Đến World Cup 2014, số tuyển thủ còn nán lại giải quốc nội giảm xuống chỉ 54,6%. Như vậy, sau 12 năm, Hàn Quốc đã đưa tới 45,4% tuyển thủ quốc gia của họ ra nước ngoài thi đấu theo đúng lộ trình.
Tuyển Việt Nam đang có lứa cầu thủ trẻ tài năng, trong đó Quang Hải là tiền vệ nổi bật nhất đội. Ảnh: Thuận Thắng. |
Bài học từ Hàn Quốc
Người Hàn làm bài bản tới mức vào World Cup 2014, độ tuổi trung bình của các tuyển thủ Hàn thi đấu ở châu Âu chỉ là 24 tuổi - đầy trẻ trung và tiềm năng. Nhưng kết quả thì sao? Từ World Cup 2002 đến nay, ĐT Hàn Quốc dự 4 kỳ World Cup thì có tới 3 lần bị loại từ vòng bảng.
Điều này có khiến NHM Hàn thất vọng hay không? Theo điều tra xã hội học của công ty Gallup, trong cả 4 kỳ World Cup ấy, có tới 81% NHM Hàn Quốc tin rằng đội tuyển của họ sẽ vượt qua vòng bảng. Con số này phản ánh mức độ lạc quan và cũng đồng thời là sức ép cực lớn dành cho đội tuyển xứ kim chi.
Từ đỉnh cao 2002 đến nay, bóng đá Hàn Quốc đã thành công tạo tiếng vang ở trời Âu, với những ngôi sao được thế giới công nhận như Park Ji-sung, Lee Yong-pyo hay mới nhất là Son Heung-min. Tuy nhiên, thành công của từng cá nhân lại không đồng nghĩa với thành công của đội tuyển.
Rốt cuộc, bóng đá Việt Nam rút ra được bài học gì?
Chẳng phải chúng ta đang hết lời ngợi khen Quang Hải - một sản phẩm của CLB Hà Nội, trưởng thành từ giải U17 quốc gia 2013 - hay sao? Quang Hải chính là một ví dụ cho thấy, một quá trình đào tạo bài bản, công phu còn lợi hại hơn gấp bội việc tìm kiếm những sản phẩm dán mác “thi đấu nước ngoài”. Lương Xuân Trường trong 2 năm chơi bóng ở Hàn Quốc chơi chưa đầy 10 trận và phải sớm trở lại Việt Nam. Chính phong độ xuất sắc tại V.League mới là nền tảng để Trường chơi tốt trong màu áo U23.
Cũng chính vì vậy, để bóng đá Việt Nam được tiếp tục bước lên những tầm cao mới cần có sự phối hợp từ cả những người làm chuyên môn lẫn NHM. 81% NHM Hàn Quốc tin đội tuyển nước họ sẽ lọt qua vòng bảng World Cup là con số điên rồ. NHM Việt Nam không được lặp lại sức ép này với tuyển Việt Nam.
Ngoài ra, việc “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài cũng cần một lộ trình bài bản, chắc chắn để tránh rơi vào bi kịch thừa thầy, thiếu thợ như Hàn Quốc suốt từ năm 2002 đến nay.
Sau ánh hào quang AFF Cup không chỉ là những buổi ăn mừng, mà còn là trách nhiệm và sự kiên nhẫn để bóng đá Việt Nam chạm tới sự thừa nhận của khu vực và thế giới trong tương lai.