Thay vì tập trung vào chất lượng, nhà sản xuất phim lại đang "đầu độc" khán giả bằng những câu chuyện hậu trường đấu đá, kiện tụng nhằm kích thích sự tò mò.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khán giả điện ảnh Việt Nam đã được chứng kiến một phen ‘‘drama dài tập’’ và không mấy đẹp đẽ giữa 2 ekip bộ phim Trạng Quỳnh và Cua lại vợ bầu. Cụ thể, Trấn Thành đã lên Facebook cá nhân tố rằng “ai đó” chơi xấu Cua lại vợ bầu bằng cách vào các trang phim đánh giá 1 sao.
Nam danh hài cho biết dù không rõ ai là người đứng sau vụ việc này nhưng đây là hành động cạnh tranh rất bẩn thỉu. Dù miệng không nói ra nhưng tất cả mọi người đều chĩa mũi nhọn nghi ngờ về phía Trạng Quỳnh - một bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh cũng được chiếu vào dịp Tết vừa qua.
Trấn Thành không chỉ là ông vua phim Tết 2019, mà cũng trở thành ông hoàng thị phi.
Ngay lập tức, Thanh Thúy cũng vào cuộc kể rằng chồng mình đang rất buồn và thất vọng về hành vi không đúng mực của một người từng là đồng đội. Tuy không ai nói ra nhưng khán giả đều đoán được là Trấn Thành.
Cuộc chiến chưa chịu dừng tại đó khi nhà sản xuất của Trạng Quỳnh lên tiếng cho rằng họ rất khó chịu khi Trấn Thành không tham gia PR cho bộ phim và đòi kiện. Còn Đức Thịnh tuyên bố nam diễn viên nên phát ngôn cẩn thận để không ảnh hưởng đến những người mình từng cộng tác.
Dùng kịch bản "drama" truyền thông để gánh cho doanh thu bộ phim là cách làm thường thấy của các nhà sản xuất phim Việt
Còn nhớ vào tháng 9 năm ngoái, vụ lùm xùm giữa bộ 3 Kiều Minh Tuấn - An Nguy - Cát Phượngtừng khiến cộng đồng mạng chán ngấy. Không ít khán giả cho rằng đây là một chiêu PR phim bằng scandal tình ái "rẻ tiền" và thất bại nhất lịch sử showbiz Việt.
Dù đến giờ, người ta vẫn không rõ chuyện An - Kiều chỉ là chiêu trò hay không nhưng rõ ràng hệ lụy của nó thì ai cũng thấy được. Chú ơi đừng lấy mẹ con bị khán giả tẩy chay khi drama ngoài lề còn hấp dẫn hơn cả nội dung phim.
Có lẽ đã đến lúc phim Việt nên dừng dùng drama như công thức kiếm lời mà thay vào đó là đầu tư cho chất lượng phim.
Và còn rất rất nhiều bộ phim Việt khác vẫn đang thực hiện cách PR tương tự kiểu này. Thay vì đầu tư nội dung, cống hiến cho khán giả một bộ phim chất lượng, các nhà sản xuất lại tập trung dùng diễn viên để tạo chiêu trò nhằm lôi kéo khán giả ra rạp.
Nếu nhà sản xuất nào cũng dùng chiêu trò thì không bao lâu nữa, khán giả sẽ thực sự quay lưng lại với phim Việt. Chưa kể đến với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh thế giới, đòi hỏi các nhà làm phim Việt phải tập trung vào chất lượng phim, hướng đến kịch bản hấp dẫn nếu không muốn bị các bom tấn nước ngoài “nuốt chửng” và “thua ngay sân nhà”.
Còn nhớ, cách đây 2 năm, các kỷ lục phòng vé tại Việt Nam liên tục bị xô đổ bởi Em chưa 18.
Thực tế cho thấy, điện ảnh Việt thời gian gần đây không thiếu những tác phẩm chất lượng từ nội dung đến hình ảnh. Sự thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em chưa 18, Cô ba Sài Gòn hay gần đây nhất Hai Phượng là một ví dụ điển hình.
Sau buổi chiếu sớm vào trưa ngày 13/2, khá nhiều nhận định của giới chuyên môn và khán giả cho rằng tác phẩm Hai Phượng được so sánh là "không thua gì các bom tấn hành động" của nước ngoài.
Những pha hành động nghẹt thở trong Hai Phượng khiến khán giả phấn khích
Sau 12 năm kể từ ngày bộ phim Dòng máu anh hùng tạo được tiếng vang trong thể loại phim hành động của Việt Nam, Hai Phượng được kỳ vọng sẽ là một cuộc lột xác ngoạn mục cho điện ảnh Việt ở thể loại phim hành động vốn khó nhằn mà các nhà sản xuất Việt luôn muốn né.
Từng lĩnh đủ "gạch đá" với Tấm Cám: Chuyện chưa kể, khá ổn với Cô Ba Sài Gòn, Song Lang tuy nghệ thuật nhưng kén người xem, Ngô Thanh Vân vẫn kiên trì với việc cố gắng để có được bộ phim chất lượng. Hai Phượng đã thành công chứng minh được nỗ lực của "đả nữ". Việc bộ phim được công chiếu ở cả Mỹ và Việt Nam cũng phần nào khẳng định được chất lượng tốt của Hai Phượng.
Từ trái qua: đạo diễn Lê Văn Kiệt, Ngô Thanh Vân, bé Cát Vi, Phan Thanh Nhiên tại buổi chiếu sớm của Hai Phượng.
Thế nhưng, dù tài năng nhưng Vân Ngô cũng là nhà sản xuất khá thị phi với concept được nhiều cư dân mạng đùa là "mỗi khi ra phim lại... khóc". Năm 2016, Ngô Thanh Vân từng bật khóc vì Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể bị một nhà phát hành từ chối. Đầu năm 2018, Ngô Thanh Vân lại "nước mắt ngắn dài" vì Cô Ba Sài Gòn do cô sản xuất bị livestream lộ liễu trên mạng.
Mặc dù không phủ nhận nỗ lực của "đả nữ" nhằm phát triển điện ảnh Việt nhưng thị phi đi kèm phim của cô cũng không hề ít.
Vậy tới Hai Phượng, Ngô Thanh Vân có cần khóc lóc nữa không? Mong là không bởi chiêu trò này đã quá cũ. Hơn hết Hai Phượng cần được xứng đáng là tác phẩm chinh phục khán giả bằng chất lượng, bởi như nhận định của giới chuyên môn và cộng đồng quốc tế: “Phim hay hơn mong đợi”.
Hy vọng Ngô Thanh Vân sẽ không làm chúng ta thất vọng với bất kỳ “drama” nào!